Đặc điểm Ốc đắng

Ốc đắng là loài nhuyễn thể, mình tròn, to cỡ đầu ngón trỏ (cũng có khi lớn hơn), màu nâu thẫm, đuôi nhọn, trôn ốc xoắn nhặt (tương tự như ốc gạo) thường xuất hiện quanh năm nơi các ao, hồ, sông, rạch nơi đồng bằng miền Tây[3] Tuy không lớn con nhiều thịt như ốc bươu, ốc lác, nhưng khi nhắc đến ẩm thực miệt đồng quê thì người ta lại nghĩ ngay về loài ốc đắng[4]

Ốc đắng sinh sống khắp nơi, kênh rạch, ao hồ, đồng ruộng. Ốc bám trên các thân cây mục dưới nước, dạ cầu và hiện diện ở các con mương dẫn nước vào ruộng. Loài thân mềm nhỏ bé nhưng lại có một sức sống khá mãnh liệt. Ốc đắng đúng mùa thì khá nhiều và mập ú. Mùa mưa nhiều ốc đắng nhưng không ngon vì ốc đắng đẻ vào mùa mưa nên ruột teo nhỏ. Còn cuối mùa nắng ốc đắng mang trứng luộc ăn nghe sực sực, người ta cũng chê. Ốc đắng ngon nhất, mập nhất là bắt vào tháng ba, nhiều nơi con ốc đắng vốn sống thiên nhiên hoang dã cũng được ăn ké thức ăn của cá, nên lúc nào nó cũng mập[5]

Ốc đắng nhìn gần giống với ốc gạo, hay ốc bắt dưới đồng ở vùng Hải Dương, Quảng Ninh, nhưng con nhỏ hơn một chút. Tuy vậy, phần thịt ốc rất đầy, có vị hơi ngăm ngăm, nhưng càng nhai, sẽ thấy vị ốc rất ngọt, thơm. Ốc đắng sau khi bắt ở ngoài đồng về thường bị dính rất nhiều bùn đất nên cần phải được rửa sạch. Sau đó đem gọng vài giờ cho ốc nhả hết bùn và chất nhớt. Dân gian thường dùng nước vo gạo để ngâm ốc (vì như thế ốc sẽ mau nhả sình hơn). Nếu không có nước vo gạo thì có thể thay thế bằng những lát ớt sừng trâu. Ốc bị cay sẽ mau chóng nhả hết những chất dơ.